Quán cà phê không dám tăng giá vì sợ mất khách
So với cùng kỳ năm ngoái, giá cà phê nguyên liệu đã tăng gấp đôi nhưng giá bán các sản phẩm chế biến từ cà phê chỉ tăng nhẹ, thậm chí giữ nguyên.
Thường xuyên theo dõi tin tức về giá cà phê hằng ngày nhưng anh Nguyễn Vũ (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) nhận thấy giá tiền ly cà phê các thương hiệu quen thuộc vẫn không đổi suốt một năm qua. “Có thể họ lấy lời từ những món khác hoặc những ly cà phê đó tỉ lệ cà phê không có nhiều” – anh Vũ phán đoán.
Xoay trở để giữ giá
Trong khi đó, trên các diễn đàn về kinh doanh quán cà phê, có rất nhiều lời than thở về việc giá cà phê đầu vào tăng vọt nhưng một số quán chỉ dám tăng giá rất nhẹ trên mỗi ly cà phê để khách hàng không bị sốc.
Anh Nguyễn Đức Thành, người sáng lập chuỗi hệ thống AM Café với 5 chi nhánh tại TP HCM, nói rằng anh rất sốt ruột khi giá cà phê rang xay tăng từng ngày nhưng không thể tăng giá bán. “Chỉ cần tăng giá 1.000-2.000 đồng/ly là mất khách ngay. Thà giảm lợi nhuận còn hơn để khách đi quán khác” – anh Thành lý giải.
Cũng theo anh Thành, chuỗi AM Café tiêu thụ khoảng 250 kg cà phê rang xay/tháng và đã có hợp đồng mua cà phê nguyên liệu từ các HTX ở Tây Nguyên với giá ưu đãi, sau đó đặt rang xay theo công thức riêng.
“Nhờ vậy, giá đầu vào của chúng tôi chỉ tăng nhẹ, chủ yếu phụ thêm tiền nhân công và vận chuyển cho các HTX. Tuy vậy, lượng hàng giá thấp chỉ dùng đủ đến hết quý II, sau đó phải mua hàng theo giá thị trường nên không biết có giữ giá đến sau thời điểm đó hay không” – anh Thành bày tỏ.
Lý giải về tình trạng này, ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty FnB Director – Horeca Business School, cho biết thị trường dịch vụ cà phê có tính nhạy cảm về giá rất cao, khi tăng giá bán sẽ mất đáng kể lượng khách hoặc khách giảm tần suất tiêu dùng.
Hơn nữa, giá nguyên liệu tăng cao nhưng nhìn vào tỉ lệ sử dụng thực tế trên từng ly sẽ thấy tác động không quá lớn, nhất là ở phân khúc trung và cao cấp.
“Do đó, việc tăng giá bán còn nằm trong kế hoạch chứ chưa tăng trên thực tế nhiều. Trong vài tháng tới, nếu giá nguyên liệu cà phê tiếp tục tăng, các quán buộc phải điều chỉnh theo. Mức tăng dự kiến sẽ từ 2.000-3.000 đồng/ly với cà phê bình dân và 2.000-5.000 đồng/ly với các quán lớn hoặc chuỗi” – ông Thanh dự báo.
Doanh nghiệp gồng lỗ
Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty CP Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu Cà phê Napoli (chuỗi Napoli) chuyên các loại cà phê rang xay và cà phê hòa tan, nói rằng đây là giai đoạn khó khăn của Napoli. Công ty chỉ có thể tăng giá 5% để giữ thị trường.
“Từ tháng 10-2023 đến nay, Napoli đã lỗ đến 10 tỉ đồng do giá nguyên liệu tăng quá nhanh. Thường chúng tôi chỉ trữ cà phê nguyên liệu đủ cho 1 tháng bán hàng nên bị tác động về giá rất mạnh” – ông Hưng tiết lộ.
Cũng theo ông Hưng, do Napoli theo triết lý cà phê nguyên chất 100% và sản phẩm bán chính là cà phê hạt nên bị ảnh hưởng trực tiếp bởi giá nguyên liệu đầu vào tăng.
Trong khi đó, một số thương hiệu cà phê rang xay trên thị trường có hiện tượng độn thêm bắp, đậu nành rang cháy để hạ giá thành nên ít bị ảnh hưởng hơn. “Ở Việt Nam lâu nay cà phê bột trộn bắp, đậu nành khá phổ biến thì nay các sản phẩm này càng có thêm lợi thế về giá” – ông Hưng than.
Dù vậy, ông Hưng vẫn tin tưởng xu hướng uống cà phê nguyên chất vẫn đang tăng và giá cà phê nguyên liệu sẽ tiếp tục ở mức cao. “Về dài hạn, cạnh tranh trong ngành cà phê sẽ nằm ở khâu chế biến sâu để gia tăng giá trị, marketing, cách pha chế chứ không phải giá nguyên liệu” – ông Hưng dự đoán.
Ở thị trường trong nước, giá nguyên liệu cà phê đang lập đỉnh lịch sử 106.000 đồng/kg dấy nên lo ngại về việc các nhà rang xay dùng các phương pháp không bảo đảm an toàn thực phẩm để hạ giá thành.
Nguồn bài viết: Báo người Lao Động