6h sáng, Nguyễn Trọng Tấn cùng 13 người trong đội đổ bộ vào vườn sầu riêng rộng hơn một hecta ở Kế Sách, Sóc Trăng. Trong khi những thợ phụ đeo găng tay, chàng thợ chính 25 tuổi đã leo lên cây, dùng cán dao gõ vào từng quả trong tầm với.
Tay phải Tấn giữ cành, tay trái vừa giữ cuống rồi bấm con dao nhỏ để cắt. “Đỡ nè”, Tấn nói, rồi thả quả sầu xuống. Dưới gốc, một thợ phụ (thợ chụp) giơ giỏ lên hứng. Mấy phút sau hơn 20 trái sầu riêng hoàng kim (giống Musang King nổi tiếng của Malaysia) đã nằm im dưới gốc.
Sầu riêng là loại quả có giá trị kinh tế cao, mang cơ hội thành tỷ phú cho người trồng và giúp cả những người làm dịch vụ trong ngành này đổi đời. Những thợ gõ sầu như Tấn được trả lương cao nhất và luôn được săn đón.
Tấn thường được chủ vựa, thương lái, đôi khi là các nhà vườn thuê để xác định quả đủ độ tuổi thu hoạch, phân loại hay xác định các lỗi bên trong ví dụ bị cháy cơm, không múi, vỏ dày. Chính vì thế vai trò của những người này rất quan trọng, nếu họ làm không chuẩn sẽ khiến chủ vườn chịu tổn thất lớn.
Sinh ra ở thủ phủ sầu riêng Cai Lậy, Tiền Giang, nên từ nhỏ Trọng Tấn đã thích trở thành một thợ gõ. Năm 18 tuổi, anh đi theo những đàn anh làm nghề trong vùng để được truyền dạy và đúc kết thêm kinh nghiệm.
Hai năm nay, Tấn đứng ra tập hợp các anh em thành một đội 14 thành viên. Một nửa làm thợ gõ, một nửa làm thợ chụp, cùng nhau đi làm khắp các tỉnh.
Hiện một thợ gõ được trả công khoảng 2 triệu đồng một ngày. Đội của Tấn nhận làm khoán, thời gian làm việc không cố định, cường độ gấp, đồng nghĩa thu nhập cũng cao hơn. “Có lần ở Đăk Lăk, trong một ngày đội của tôi cắt được 30 tấn, tương đương 60 triệu đồng”, chàng trai cho biết. Trung bình một tháng trừ chi phí, Tấn vẫn tiết kiệm được 50 triệu đồng.
Thu nhập cao nhưng không phải ai cũng làm được. Có hàng chục giống sầu riêng, mỗi loại có vẻ ngoài khác nhau, mỗi nhà vườn có một cách vào phân thuốc khác nhau, rồi nắng mưa, hạn hán tác động đòi hỏi người thợ phải rất am hiểu.
Đầu tiên, Tấn sẽ hỏi chủ vườn thời gian từ lúc đậu quả đến nay được bao nhiêu ngày bởi có giống thu hoạch được ở 90 ngày, các giống khác lại cần 110 đến 120 ngày. Tiếp đó anh quan sát cuống, màu của vỏ và gai. Thông thường màu vỏ hơi sậm, gai nhăn nhúm là đã đủ độ cắt.
Yếu tố tiên quyết là kỹ thuật gõ sầu. Tấn dùng cán dao gõ vào phần phình lên của quả. Nếu phát ra âm thanh bộp bộp, có cảm giác như bên trong rỗng thì sẽ cắt được. Ngược lại âm thanh nhỏ, nặng, chắc là còn non.
Ba năm theo nghề thợ gõ, Nguyễn Công Thành, 32 tuổi, cho biết việc gõ để xác định quả chín hay còn xanh khá dễ nhưng gõ để biết quả đã già, cận già hay non già rất khó. Thông thường cơm sầu xuất khẩu cắt ở độ 7,5-8 tuổi, cơm bán trong nước cắt lúc 8-9 tuổi, loại chín (10 tuổi) sẽ khó vận chuyển đi bán được.
“Năm nay các nhà vườn trồng giống sầu Ri6 ‘hành hạ’ chúng tôi rất nhiều, vì gõ rất vào dao, nhưng bổ ra cơm còn non. Nguyên nhân do trình trạng thiếu nước, rụng lá khiến độ chín của cơm không theo các quy tắc thông thường”, chàng trai quê Tiền Giang cho hay.
Thu nhập đáng mơ ước nhưng người thợ gõ có thể phải đền cả tháng lương vì làm sai. Những trái sầu riêng non sẽ khiến thương lái bị lỗ nặng, người thợ cũng sẽ phải chịu một phần trách nhiệm. Bởi vậy một số người chọn làm công nhật để không phải chịu rủi ro này. Còn đội làm khoán sẽ phải đền nếu tỷ lệ quả non vượt 2% (tức 20 kg trên một tấn).
“Thời gian đầu mới vào nghề có lần tôi đã phải đền 7 triệu đồng”, thợ gõ Lê Thanh Bình, 29 tuổi, quê Tiền Giang cho biết.
Bình theo nghề độc lạ này từ 2021, sau khi bỏ lái xe tải. Anh có lợi thế thân hình nhỏ nhắn và học hỏi nhanh nên sau 6 tháng đã chuyển từ thợ chụp lên thợ gõ.